ĐÔI NÉT VỀ KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO

Ngày đăng: 3/4/2023Đã xem: 469

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, nằm trên địa bàn 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, (huyện Yên Sơn).
Phía Bắc giáp xã Linh Phú (huyện Chiêm Hoá) và hai xã Nghĩa Tá, Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn); phía Đông giáp các xã thuộc hai huyện Định Hoá, Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên); phía Nam giáp hai xã Tú Thịnh, Hợp Thành (huyện Sơn Dương); phía Tây giáp các xã Tân Tiến, Kiến Thiết, Phú Thịnh, Tiến Bộ, Thái Bình (huyện Yên Sơn).

Hiện nay, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có 138 di tích, cụm di tích, trong đó 18 di tích, cụm di tích đã được Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia 35 di tích, cụm di tích được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Còn lại là các di tích, cụm di tích đang đề nghị xếp hạng và được cắm bia sự kiện, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học, bản đồ đạc họa, khoanh vùng bảo vệ.

Trở lại lịch sử, kể từ khi có Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang một lòng một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, phát triển, củng cố cơ sở cách mạng vững chắc. Khi tình hình thế giới biến động mau lẹ, thời cơ có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cần chọn ngay một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đã được chọn làm nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng, Bác Hồ để chuẩn bị các điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa.

Sau cuộc hành trình dài (từ Pác Bó - Cao Bằng) Bác Hồ đến xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 21/5/1945. Tại đây, Người đã chỉ đạo mở trường đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ quân sự; thành lập Khu căn cứ cách mạng, lấy tên là Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang và quyết định Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng.

Tại căn lán Nà Nưa đơn sơ, do cuộc sống hằng ngày hết sức gian khổ, thiếu thốn, cuối tháng 7/1945 Bác Hồ bị ốm nặng. Trong cơn sốt mê sảng nhưng với nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá giành độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã chỉ thị: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Trước tình thế cách mạng hết sức khẩn trương, Bác Hồ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945. Dự hội nghị có hơn 30 đại biểu trong toàn quốc, trong đó có các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Huy Liệu… Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai.

Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, đến dự có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và một số kiều bào ở nước ngoài. Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca. Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, "Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta", là mốc son chói lọi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, Quân giải phóng cử hành lễ xuất quân; đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số I và hạ lệnh xuất quân. Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về giải phóng Thái Nguyên mở đường giải phóng thủ đô Hà Nội.

Từ Tân Trào - Sơn Dương, Tuyên Quang lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Hồ Chủ tịch và Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời chuyển đất, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đất nước ta giành độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp bội ước đem quân trở lại cướp nước ta, nhân dân ta lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, đầy khó khăn, thử thách với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tháng 11/1946, khi thực dân Pháp khiêu khích ở Hải Phòng và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp hỏi: “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu ?”; đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa: “Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được”. Suy nghĩ trong giây lát, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định: “Ta lại trở về Tân Trào”. Một lần nữa, lịch sử lại giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô kháng chiến, căn cứ vững chắc, chở che cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương trong những năm tháng cam go của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dưới những tán rừng đại ngàn, suốt một dải từ Sơn Dương đến Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, có 65 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (trong đó có 13/14 bộ và cơ quan ngang bộ) đặt trụ sở làm việc, lãnh đạo toàn dân kháng chiến, như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ; Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt; các Bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính, Kinh tế, Canh nông, Tư pháp, Lao động, Giao thông công chính, Thương binh - cựu binh, Giáo dục, Y tế; Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Kho bạc Nhà nước, Nha Công an, Nha Thông tin; Việt Nam thông tấn xã, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Nông vận, Tổng bộ Việt Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Sử - Địa - Văn, Nhà xuất bản Sự thật…

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khu ATK Tân Trào - với vị thế là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, nơi phát nguồn những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của Đảng, của cách mạng Việt Nam: Hội nghị Trung ương 6 khóa II mở rộng; kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I - kỳ họp duy nhất của Quốc hội được tổ chức trong thời kỳ kháng chiến; kỳ họp Bộ Chính trị ra nghị quyết “tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ”...

Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể Trung ương ở và làm việc trong thời gian lâu nhất. Theo Kết luận của Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, xác minh tư liệu và giá trị di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1945-1954" do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức năm 2012 thì trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Tuyên Quang trong thời gian gần 6 năm với 16 địa điểm khác nhau, chủ yếu trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương là nơi đầu tiên Bác ở và làm việc khi trở lại Tuyên Quang (từ ngày 2/4/1947 đến ngày 19/5/1947). Địa điểm Người ở lâu nhất và đến ba lần là lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương và địa điểm cuối cùng Người ở trước khi rời Tuyên Quang về Hà Nội là thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Tại Tuyên Quang, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Người đã chủ trì các đại hội, hội nghị quan trọng, quyết đáp những vấn đề thúc đẩy cuộc kháng chiến. Bác đã chủ tọa các phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn về việc xây dựng, củng cố chính quyền, quân đội; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, hình thành Mặt trận đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, phá thế bao vây cô lập của kẻ thù, mở ra mối liên hệ với nước ngoài, tiếp nhận sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đồng thời, nâng cao vị thế của Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế. Người đã ký các sắc lệnh quan trọng như thành lập Tòa án binh; quy định tổ chức của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu, Cục Chính trị, Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy quân đội, thành lập Quốc gia ngân hàng Việt Nam... Người đã theo dõi sát sao tình hình chiến sự, chỉ đạo quân dân ta đập tan cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Việt Bắc. Từ Khấu Lấu, Tân Trào, Bác Hồ đi thăm và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước Trung Quốc, Liên Xô và đi chỉ đạo chiến dịch biên giới. Trong thời gian này, Bác đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế như: Đoàn cán bộ cách mạng Lào, Căm Pu Chia, đoàn cố vấn Trung Quốc, đại diện Đảng Cộng sản Pháp, tiếp nhà báo nổi tiếng của Úc là Bớc Sét, nhà báo kiêm đạo diễn điện ảnh Liên Xô Các Men. Đầu tháng 4/1954, tại Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang, Bác Hồ chỉ đạo đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn ngoại giao của ta đi dự Hội nghị Giơnevơ, cùng đi có các đồng chí Phan Anh, Hà Văn Lâu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Thiệu Lâu... Người luôn quan tâm xây dựng chính sách đại đoàn kết dân tộc, chăm lo công tác xây dựng Đảng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong thời gian sống và làm việc ở Tuyên Quang, Người đã hoàn thành các tác phẩm nổi tiếng như "Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, "Dân vận", “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn” và làm nhiều bài thơ giàu cảm xúc để động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Những tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đường lối kháng chiến đúng đắn được xây dựng toàn diện trên mọi lĩnh vực của Đảng, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của Đảng và cách mạng Việt Nam; nơi ghi dấu những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm sâu đậm về Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc. Đó chính là những di sản văn hoá vô cùng quý giá mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang có may mắn vinh dự thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn và phát huy giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Với sự hiện hữu của gần 500 di tích lịch sử, Tuyên Quang mãi mãi là “bảo tàng sống”, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20” luôn chứa đựng những dấu ấn sống động, sục sôi, hào hùng của Cách mạng Tháng Tám - Cuộc giải phóng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tân Trào - mảnh đất địa linh, “Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa”, nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, luôn là điểm tựa tinh thần cho đồng bào cả nước trong tiến trình thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng, Khu Lập Binh - Bình Yên, Khu Khuôn Điển - Kim Quan, Khu Chi Liền - Trung Yên... đã trở thành điểm hẹn về nguồn giáo dục truyền thống của nhân dân mọi miền đất nước và là địa chỉ thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn của bạn bè quốc tế.

Đánh giá rõ vị thế, tầm vóc của Khu di tích lịch sử Tân Trào, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào là di tích quốc gia đặc biệt. Sự kiện này thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng, giá trị to lớn của Khu di tích Tân Trào; là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

ĐÔI NÉT VỀ KHU DI TÍCH QUỐC GIA  ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO

ĐÔI NÉT VỀ KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO

Ngày đăng: 25/3/2020

KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TÂN TRÀO

SỰ CHUYỂN ĐỔI TÍCH CỰC CỦA DU LỊCH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

SỰ CHUYỂN ĐỔI TÍCH CỰC CỦA DU LỊCH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Ngày đăng: 25/3/2020

SỰ CHUYỂN ĐỔI TÍCH CỰC CỦA DU LỊCH TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

CHÙA TAM CHÚC NHỮNG NGÀY GIỮA THÁNG 4

CHÙA TAM CHÚC NHỮNG NGÀY GIỮA THÁNG 4

Ngày đăng: 25/3/2020

CHÙA TAM CHÚC NHỮNG NGÀY GIỮA THÁNG 4

Du lịch hè châu Âu

Du lịch hè châu Âu "nóng" trở lại, khách cầm "hộ chiếu vắc xin" ùn ùn đổ về

Ngày đăng: 25/3/2020

Du lịch hè châu Âu "nóng" trở lại, khách cầm "hộ chiếu vắc xin" ùn ùn đổ về

DU LỊCH VIỆT NAM THIÊN ĐƯỜNG HOA CỎ LAU

DU LỊCH VIỆT NAM THIÊN ĐƯỜNG HOA CỎ LAU " CỘT MỐC 1297 BÌNH LIÊU QUẢNG NINH "

Ngày đăng: 25/3/2020

DU LỊCH VIỆT NAM THIÊN ĐƯỜNG HOA CỎ LAU " CỘT MỐC 1297 BÌNH LIÊU QUẢNG NINH "

khám phá việt nam kỳ thú thác pạc sủi Tiên Yên Quảng Ninh

khám phá việt nam kỳ thú thác pạc sủi Tiên Yên Quảng Ninh

Ngày đăng: 25/3/2020

khám phá việt nam kỳ thú thác pạc sủi Tiên Yên Quảng Ninh